Dù bạn thuộc team đeo kính hay không, bạn có bao giờ thắc mắc có bao nhiêu loại tròng kính hết cả thảy và chúng có điểm gì đáng lưu ý?
Tùy vào tật khúc xạ và nhu cầu mỗi người mà lựa chọn tròng kính cho phù hợp. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản siêu thú vị về thế giới tròng kính. Cùng mình khám phá nhé!
- Tròng kính trong điều trị tật khúc xạ
- Tròng kính bảo vệ mắt
- Tròng kính nâng cao thị lực
- Cách bảo quản, dễ nhưng không dễ
- Tiêu chí nào để chọn một tròng kính phù hợp?
Tròng kính trong điều trị tật khúc xạ
- Kính Đơn tròng (Single Vision): hay còn gọi là kính đọc sách, chỉ dùng để nhìn gần và không cần phải đeo mỗi ngày, đặc biệt phù hợp cho người thích đọc những mẩu tin ngắn và muốn nhìn gần rõ. Tuy nhiên, điểm trừ là bạn này chỉ được thiết kế dựa trên thông số phổ thông chứ không chính xác với tình trạng thị lực thật sự của người dùng. Vì vậy, kính đơn tròng không phải lựa chọn tối ưu vì dễ gây mỏi mắt nếu sử dụng lâu dài.
- Kính hai tròng (Bifocal): là loại kính gồm hai phần riêng biệt nhau (gồm phần trên nhìn xa và phần dưới nhìn gần) bởi một lằn ranh có thể nhìn thấy được. Với loại kính này, ở cả hai khoảng cách xa và gần đều không còn là vấn đề đối với người dùng, nhất là với những người có tật lão thị không thể thấy rõ ở tầm nhìn gần. Hạn chế của em kính này là thiếu sự linh hoạt của kính đa tròng. Người dùng phải điều chỉnh tư thế sao cho mắt rơi đúng trọng tâm tầm nhìn mình cần và thường bị cấn bởi lằn ranh giữa 2 phần.
- Kính đa tròng (Progressive): được xem là giải pháp đơn giản tối ưu cho người có tật khúc xạ kết hợp lão thị, bởi các độ kính khác nhau được thiết kế liền mạch và xuyên suốt trên bề mặt kính. Kính bao gồm ba phần cơ bản: vùng trên cùng thích nghi với cự ly xa, vùng ở giữa là tầm nhìn trung gian và đáy là tầm nhìn gần. Với kính đa tròng, mọi khoảng cách nhìn đều trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tròng kính bảo vệ mắt
Để bảo vệ mắt, các nhà sản xuất đã phát minh ra những lớp phủ tròng kính. Dựa vào nhu cầu và phong cách mà các bạn có thể cân nhắc dựa trên những tính năng riêng như sau:
- Tròng kính đổi màu: có cơ chế tự nhuộm màu tròng bởi sự thích nghi với các cấp độ ánh sáng và khả năng lọc tia UV.
Tròng đổi màu thích nghi với các cấp độ ánh sáng
- Tròng chống chói: bảo vệ mắt khỏi ánh sáng chói, đặc biệt phù hợp cho người lái xe hay thường xuyên hoạt động ngoài trời.
Tròng chống chói bảo vệ mắt khỏi ánh sáng chói
- Tròng ngăn ngừa ánh sáng xanh: lọc ánh sáng có hại từ mặt trời và từ các đồ thiết bị điện tử như điện thoại, ti-vi, máy vi tính… cực kì cần thiết cho người dùng thời đại 4.0.
Tròng kính lọc ánh sáng có hại từ đồ thiết bị điện tử
Tròng kính nâng cao thị lực
Tròng kính được bổ sung thêm các lớp phủ bảo vệ cho thị lực sắc nét và rõ ràng. Lớp phủ trong suốt tạo cảm giác thoải mái mọi lúc mọi nơi, phù hợp với mọi hoạt động.
- Tròng chống xước bảo vệ tròng kính khỏi các vết xước bằng lớp phủ cứng cáp. Điều này giúp kính của bạn bền bỉ và giữ thị lực rõ nét tối ưu.
- Tròng chống vân tay có một lớp phủ đặc biệt ngăn dấu vân tay in lại trên tròng kính.
- Tròng chống bụi sử dụng một lớp phủ mà bụi bẩn không thể bám lên giúp tròng kính sạch không ngờ.
- Tròng chống bám nước ngăn cản nước đọng lại trên kính gây cản trở tầm nhìn mắt.
- Tròng chiết suất cao mỏng nhẹ cho phép thay đổi hướng đi của ánh sáng vào mắt. Bạn này thường được khuyên dùng cho đơn kính độ cao, nhất là người cận loạn nặng.
Cách bảo quản, dễ mà không dễ
Cho dù bạn mang loại kính nào thì việc chăm chút bảo quản kính nghe dễ mà thật không dễ chút nào vì không phải ai cũng lưu ý những điểm này. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt những điều sau sẽ giúp bạn sử dụng chúng một cách hiệu quả và lâu bền hơn.
#1: Vệ sinh kỹ lưỡng
Một vài khu vực ”nhạy cảm” rất dễ bám bẩn bạn nên chú ý là khe kẽ nơi sống mũi, chỗ gập ở gọng, đường viền mắt kính,…Chính vì vậy để giữ cho kính luôn đảm bảo độ mới sạch như lau như ly, bạn cần vệ sinh kính thường xuyên bằng nước sạch hoặc nước rửa kính chuyên dụng, sau đó dùng khăn mềm để lau khô. Hoặc đơn giản hơn thì rửa sạch bằng vòi nước và để kính tự khô.
Lau khô sau khi rửa sạch với nước lau kính
#2: Không chạm tay vào tròng kính
Ai đeo kính cũng hiểu nỗi đau này, dù một cái chạm nhẹ, cũng đủ để lưu lại “dấu ấn” trên tròng. Dù “dấu” to hay nhỏ cũng làm mờ hết cả mắt nhìn. Vì thế, lưu ý to đùng là không nghịch ngợm sờ mó lung tung kẻo lại mất thời gian vệ sinh kính nhé bạn.
#3: Không tự ý sửa chữa, thay thế tròng kính
Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện kính bị lệch hay không cân đối, hãy mang kính đến cửa hàng kính chuyên dụng để sửa chữa thay vì tự bẻ hay uốn gọng nhé.
Ngoài ra sau một thời gian sử dụng bạn nhận thấy kính có dấu hiệu không còn đạt chuẩn, bạn hãy gặp bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện mắt để khám mắt đặt biệt đối với các loại kính cận.
Không tự ý bẻ hay uốn gọng kính
#4: Hạn chế đeo kính khi chơi các môn thể thao đối kháng
Với các môn thể thao đối kháng như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền…tốt hơn hết bạn nên cân nhắc sử dụng kính thể thao chuyên dụng để bảo vệ mắt tốt hơn, hạn chế trường hợp ngã trượt, kính gãy vỡ dễ gây tổn thương cho mắt.
Nên chọn kính thể thao khi tham gia thể thao đối kháng
#5: Đeo kính và tháo kính bằng cả hai tay
Lỗi thường gặp nhất ở người dùng kính chính là dùng một tay để mang hoặc cởi gọng kính ra. Điều này khiến cho gọng kính bị lệch méo, hai bên không còn cân xứng, mắt kính bất xứng với gọng kính. Vì vậy, hãy điều chỉnh lại cách dùng cho đúng là dùng cả hai tay cầm gọng kính cài nhẹ vào hai tai, cân chỉnh kính cho đúng với sống mũi.
Tiêu chí nào để lựa chọn tròng kính phù hợp?
Tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người mà chúng ta sẽ có những sự lựa chọn khác nhau nhưng dù là bạn chọn chúng với mục đích thời trang hay chức năng thì bạn cũng nên cân nhắc các tiêu chí sau đây để có được quyết định chính xác khi chọn lựa:
- Tình trạng mắt hiện tại: Bình thường, cận hay viễn thị, hay tật khúc xạ kết hợp lão thị
- Mục đích sử dụng: Chẳng hạn như đọc sách, xem tivi, thể thao, hay dùng để di chuyển ngoài trời,…
- Thời gian sử dụng: Kính dùng cho ban đêm hay ban ngày
Trên đây là bài viết tổng quan về các loại tròng kính thường dùng nhất hiện nay. Hy vọng có thể giải đáp chút ít thắc mắc cho các bạn nhé!